4 bệnh thường gặp khi chạy bộ vào mùa hè, bạn chớ nên chủ quan!
Võ Thị Mỹ Tiên
Th 5 20/05/2021
3 phút đọc
Chạy bộ rất có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên khi các runner khi chạy bộ dưới điều kiện nóng bức rất cần lưu ý đến vấn đề về sức khỏe, đặc biệt các bệnh liên quan đến nhiệt.
1. Sốc nhiệt
Sốc nhiệt là một trong những bệnh thường gặp nhất khi chạy bộ vào mùa hè. Sốc nhiệt là thuật ngữ miêu tả tình trạng cơ thể bị say nắng, say nóng. Trường hợp nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn gây ra kiệt sức và nặng nhất là sốc nhiệt.
Khi rơi vào trạng thái này, nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Người chạy có thể mất định hướng, rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê. Đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.
Nguyên nhân gây sốc nhiệt phổ biến nhất là người vận động không bổ sung nước kịp thời vào cơ thể, đồng thời lượng nước làm mát thoát đi theo đường mồ hôi.
2. Rôm sảy
Rôm sảy (ban nhiệt) là một từ dân gian để chỉ một tình trạng viêm da hay gặp vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng, nhất là khi cơ thể hoạt động mạnh như chạy bộ.
Biểu hiện của rôm sảy rất dễ nhận biết. Rôm sảy thường thành đám, thành mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán..., đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách. Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Nguyên nhân của phát ban nhiệt hiện chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân thường khi xảy ra ban nhiệt đó là khi tuyến mồ hôi bị bịt tắc.
Khi có dấu hiệu bị rôm sảy, các runner cần làm mát cơ thể ngày lập tức như đứng dưới bóng mát. Bôi kem chống nắng trước khi chạy bộ cũng là một biện pháp hữu hiệu.
3. Ngứa và tê bàn chân và ngón tay
Cảm giác ngứa có thể xuất hiện sau khoảng 30 phút tập luyện nhưng sẽ hết khi tiếp tục chạy. Điều này là do cơ thể mất canxi cùng lúc với quá trình đổ mồ hôi. Phần trăm canxi trong máu giảm sẽ gây ra hiện tượng ngứa ran ở bàn chân, ngón tay, lưỡi, môi. Thông thường, sau khi cơ thể thiếu canxi, tuyến giáp sẽ kích thích sản xuất canxi nên cơ thể sẽ bớt các dấu hiệu trên. Tuy nhiên, với quá nhiều canxi sẽ có cảm giác khát nước, đau nhức xương, yếu cơ, lú lẫn, đau bụng, mệt mỏi.
4. Chuột rút do nhiệt
Một trong những bệnh thường gặp khác khi chạy bộ vào mùa hè là chuột. Chuột rút do nhiệt là những cơn co thắt cơ đau đớn không tự chủ, thường xảy ra trong quá trình tập luyện thể thao với cường độ mạnh trong môi trường nóng nực.
Các cơ bị ảnh hưởng thường là đùi, vai và bắp chân, đây đều các cơ chủ lực khi chạy. Giống như rôm sảy, chuột rút nhiệt thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các runner cũng không được chủ quan với bệnh này. Làm mát cơ thể và uống nước bù điện giải (có chứa muối) có thể giúp người chạy tránh được bệnh này "ghé thăm".
Khi tham gia chạy dưới điều kiện nắng nóng, các Runner cần chú ý những điều sau:
- Tránh tập luyện và chạy trong khung giờ từ 9h - 16h.
- Lựa chọn trang phục có chất liệu thoáng mát, nhanh khô mồ hôi.
- Trang bị đầy đủ từ mũ, kính, trang phục kín đáo để tránh nắng làm cháy da.
- Uống nước đầy đủ từ trước ngày thi đấu.
- Vừa chạy vừa lắng nghe cơ thể, hãy xem nhịp thở của mình có ổn không? Nếu thấy dấu hiệu hoa mày chóng mặt thì nên dừng ở bóng râm để nghỉ ngơi.
- Làm mát cơ thể bằng cách thấm khăn ướt lên gáy, đầu… khi cảm thấy có dấu hiệu sốc nhiệt.
- Nếu có dấu hiệu đau nhức, đói dẫn đến chóng mặt… không nên cố gắng quá. Hãy biết dừng đúng lúc đến tránh những điều đáng tiếc xảy ra.